Bánh mì que là món ăn đường phố nổi tiếng được rất nhiều người yêu thích tại Việt Nam, mà chắc hẳn ai cũng đã từng một lần thử qua. Đơn giản chỉ là những chiếc bánh mì thon dài, bên trong được phết một lớp pate và dùng kèm với tương ớt cay nồng nhưng hương vị lôi cuốn khó tả. Tuy nhiên, ngày nay để thực khách có nhiều sự lựa chọn hơn nên mỗi vùng miền sẽ biến tấu phần nhân bên trong và đa dạng các loại sốt khác nhau. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến bánh mì que Hải Phòng và Đà Nẵng. Hãy cùng Nguyễn Sơn Bakery học cách làm bánh mì que chuẩn vị chỉ với một vài nguyên liệu dễ kiếm, dễ tìm qua bài viết sau đây.
Hướng dẫn cách làm bánh mì que Hải Phòng
Bánh mì que Hải Phòng có hương vị đặc trưng của pate béo ngậy quyện với chút vị cay cay của tương ớt, đây chính là điểm nhấn không thể thiếu khi thưởng thức món bánh này. Để làm bánh mì que ngon đúng điệu của người Hải Phòng, trước tiên bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
Nguyên liệu cần để làm bánh mì que kiểu Hải Phòng
Phần nhân pate làm từ gan lợn
- Gan lợn: 400g
- Thịt lợn nạc (lấy phần vai): 200g
- Mỡ lợn: 200g
- Hành tím khô: 50g (khoảng 8 – 10 củ nhỏ)
- Tỏi: 1 củ
- Bơ lạt: 100g
- Sữa tươi không đường: 200ml
- Bánh mì: 1 ổ
- Một số gia vị cần thiết khác: muối, hạt nêm, tiêu, đường, nước mắm,…
Phần bánh mì
- Bột mì số 13: 300g
- Bột nở (hoặc có thể thay thế bằng men nở): 5g
- Một chút muối ăn
Phần nước sốt ớt
- Cà chua chín: 2 quả
- Ớt chỉ thiên: 500g
- Rượu trắng: 20ml
- Nước lọc: 30ml
- Giấm ăn: 20ml
- Tỏi: 3 củ
- 1 xíu muối ăn
- Đường: 2 muỗng canh
Quy trình thực hiện
Sau khi đã có đủ tất cả nguyên liệu, chúng ta sẽ bắt tay vào làm theo trình tự với bước đầu tiên sẽ làm bánh mì vì đây là phần tốn nhiều thời gian nhất (chờ bột nở và đem nướng).
Bước 1: Trộn và ủ bột để làm bánh mì que
- Trộn thật kỹ hỗn hợp các thành phần gồm bột mì, muối và men nở cùng 200ml nước (ở nhiệt độ thường) trong một chiếc âu lớn đến khi thấy chúng có độ sệt nhất định, dẻo mịn và không bị óc trâu.
- Sau đó, lấy màng bọc đậy kín và để qua một góc cho bột nghỉ khoảng 40 phút, khi thấy bột nở gấp đôi thì lấy ra chia thành các phần nhỏ bằng nhau.
- Thoa đều lớp bột mì khô lên thớt để lúc tạo hình bánh mì que bột không bị dính.
Bước 2: Tạo hình và đem nướng
- Trước khi, nặn các cục bột thành hình que thon dài (tầm 15cm) bạn nên làm nóng lò nướng 20 phút ở nhiệt độ 180℃.
- Lót một lớp giấy nến lên khay nướng và xếp bánh vào khay, khoảng cách giữa mỗi chiếc bánh nên là 3cm để lúc nướng không bị dính vào nhau khi bột nở.
- Bắt đầu nướng bánh ở nhiệt độ 170℃ trong 10 phút, nếu thấy vỏ bánh mì đã vàng đều óng ả thì lấy bánh ra khỏi lò.
Bước 3: Làm nhân pate bánh mì que
- Sơ chế các nguyên liệu (gan lợn, thịt nạc, mỡ) thật sạch cùng với muối, sau đó thái gan lợn thành từng lát mỏng để ráo rồi đem ngâm cùng sữa tươi nhằm giảm bớt mùi tanh. Còn đối với thịt nạc và mỡ sẽ thái miếng vuông nhỏ như hạt lựu.
- Trộn đều hỗn hợp gan, thịt, cùng các loại gia vị rồi xay nhuyễn bằng máy. Khi thấy toàn bộ nguyên liệu đã quyện với nhau thì dừng lại.
- Phần mỡ đã chuẩn bị trước đó xếp xuống đáy khuôn rồi đổ pate vào mang đi hấp cách thủy từ 3 – 4 tiếng. Nếu muốn pate thơm ngon hơn và không bị rời rạc sau khi chín, bạn có thể thêm vào 1 quả trứng lúc hỗn hợp đã xay xong và trộn đều.
- Pate nếu để nguội rồi được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh có thể dùng dần trong 1 tuần.
Bước 4: Nấu nước sốt cay
- Băm nhuyễn tỏi và trộn chung cùng với giấm ăn, rượu trắng.
- Cà chua và ớt rửa sạch cùng nước muối rồi sau đó mang đi hấp cách thủy trong khoảng 20 phút, tiếp đến cho 2 nguyên liệu này vào máy thêm một xíu muối đem xay nhuyễn.
- Trộn hỗn hợp tỏi, ớt và cà chua vừa xay xong chưng đến khi chúng đặt sệt, dẻo quẹo.
Bước 5: Thưởng thức thành quả
Như vậy, là bạn đã hoàn thành tất cả công đoạn và giờ chỉ cần rạch một đường dọc trên thân bánh mì que, cho vào một lớp pate hay rau mùi, dưa leo tùy theo khẩu vị mỗi người. Chấm đẫm chiếc bánh vào chén nước sốt ớt cay cay và thưởng thức ngay thôi nào.
Hướng dẫn làm bánh mì que Đà Nẵng
Cũng tương tự như cách làm bánh mì que Hải Phòng, tuy nhiên món bánh này được người dân Đà Nẵng thay đổi một số thành phần trong nhân bánh và nước sốt ăn kèm. Nhưng chắc chắn cũng khiến bạn mê mẩn ngay từ miếng đầu tiên bởi hương vị hòa quyện một cách tuyệt hảo giữa các nguyên liệu. Vậy cùng xem chiếc bánh mì que Đà Nẵng có gì khác và nguyên liệu bao gồm những gì:
Nguyên liệu cần chuẩn bị
Nguyên liệu cho phần nhân bánh
- Gan lợn: 350g
- Thịt lợn nạc (lấy phần vai): 500g
- Bì lợn: 200g
- Mỡ lợn: 150g
- Sữa tươi không đường: 200ml
- Hành tím khô: 50g
- Phô mai
- Trứng gà: 1 quả
- Hành tây: 1 củ
- Tỏi: 2 củ
- Gia vị cần thiết: tiêu, muối, đường, tương ớt, nước mắm,…
Nguyên liệu cho phần nước sốt
- Cà chua: 10 quả (chọn những quả chín mọng, đỏ đều sẽ giúp màu nước sốt trông đẹp hơn)
- Hành tím khô: 50g
- Dầu ăn: 30ml
- Ớt tươi: 50g (không ăn cay có thể giảm bớt)
- Gia vị cần thiết: muối, hạt nêm, nước mắm, tỏi, đường,…
Quy trình thực hiện
Bước 1: Nhào nặn bột làm vỏ bánh mì que
- Cho bột mì loại số 13 vào âu đựng cùng muối, men nở (hoặc bột nở) và 200ml nước ấm rồi đảo đều đến khi thấy hỗn hợp mịn dẻo. Có thể dùng tay kéo để kiểm tra độ dai, nếu bột không bị đứt thành các đoạn vụn nhỏ chứng tỏ là đạt chuẩn.
- Ủ bột trong khoảng 1 tiếng, sau đó để bột khi tạo hình không dính bạn quét quanh âu đựng một lớp dầu ăn và rắc bột khô lên thớt.
- Cán bột thành hình que dài với bề ngang tầm 3cm và chiều dài 15cm, trong lúc đó làm nóng lò ở nhiệt độ 180℃ trong 15 phút. Tiếp đến, bỏ bánh vừa được tạo hình lên khay đựng và đem đi nướng trong 10 phút với nhiệt độ 200℃ rồi giảm xuống 170℃ nướng tiếp 20 phút đến khi thấy vỏ bánh vàng ươm.
Bước 2: Làm nhân pate
- Rửa sạch gan lợn qua nhiều nước, thái mỏng rồi cho vào âu ngâm cùng với sữa tươi không đường để loại bỏ bớt mùi tanh.
- Phần bì lợn cũng làm sạch sau đó chần sơ qua với nước sôi, để ráo.
- Cho gan lợn vào chảo nóng đảo cùng với dầu ăn, hành tây và tỏi băm nhỏ, nêm nếm gia vị rồi đảo đều trên bếp đến khi khô hết nước.
- Bì lợn sau khi luộc mềm, thái sợi nhỏ rồi đem xay nhuyễn với hỗn hợp pate. Xếp mỡ lợn đã được thái lát mỏng dưới đáy khuôn, đổ pate lên vừa xay vào và mang đi hấp cách thủy khoảng 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi.
Bước 3: Làm nước sốt ăn bánh mì que Đà Nẵng
- Rửa sạch cà chua, ớt rồi thái nhỏ hạt lựu. Hành tím khô sẽ băm nhuyễn sau đó cho vào chảo dầu nóng phi đến khi vàng, thì đổ cà chua và ớt vào đảo đều đến chín nhừ thêm vào 60ml nước.
- Trong lúc đun hỗn hợp trên sệt lại, bên này chúng ta sẽ pha nước sốt để cho vào theo công thức như sau: 2 muỗng canh nước mắm + 1 muỗng đường + 1 muỗng tương ớt + 1 chút tiêu, muỗi và hạt nêm.
Bước 4: Thưởng thức những chiếc bánh nóng giòn
Sau khi, hoàn tất các công đoạn và đã có đủ phần vỏ bánh mì, nhân pate cùng nước sốt nên giờ chỉ cần rạch một đường trên thân bánh cho thêm rau mùi là có thể thưởng thức món ngon chuẩn bài Đà Nẵng rồi.
Bí quyết làm nước sốt bánh mì que ngon hấp dẫn
Phần nước sốt ăn kèm với bánh mì que có thể quyết định đến hơn 50% độ ngon của những chiếc bánh. Ngoài 2 loại sốt phổ biến của Hải Phòng và Đà Nẵng, dưới đây là một vài gợi ý nước sốt bánh mì que khác cũng hấp dẫn không kém để khi cần thay đổi khẩu vị tránh nhàm chán:
Sốt vị chua cay
Nguyên liệu
- Cà chua: 3 quả
- Ớt chín: 100g
- Hành tím: 6 củ
- Gia vị: dầu ăn, đường, nước mắm, muối, hạt nêm,…
Cách thực hiện
Rửa sạch và cắt nhỏ các nguyên liệu, cho dầu vào chảo nóng rồi phi hành thơm thì bỏ cà chua và ớt vào đảo đều. Nêm nếm các gia vị sao cho vừa ăn, đảo thêm một lúc đến khi hỗn hợp sền sệt là có thể cho ra chén thưởng thức cùng bánh mì que.
Sốt vị kem tươi mặn
Nguyên liệu
- Sữa tươi không đường: 300ml
- Kem béo: 30ml
- Vụn bánh quy mặn: 60g
- Bơ lạt: 10g
- Hành tím khô: 2 củ
- Bột macca: 50g
- Gia vị: muối, hạt tiêu
Cách thực hiện
- Bóc vỏ, rửa sạch rồi sau đó băm nhỏ hành tím
- Cho vào nồi 300ml sữa tươi, 1 của hành tím và 60g vụn bánh đun đến khi đặc sệt lại (vừa đun vừa khuấy đều để tránh bị cháy và dính dưới đáy nồi) thì cho kem béo cùng 10g bơ vào trộn đều. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp là bạn đã có cho mình chén sốt bơ sữa béo ngậy để ăn cùng bánh mì que siêu nhanh, siêu đơn giản.
Có thể bạn quan tâm:
- Làm bánh mì bơ nướng mật ong thơm giòn cực ngon
- Cách làm bánh mì ruốc ngon không cưỡng được
- Vào bếp làm bánh mì chuột thơm giòn xốp cực dễ
Như đã nói, bánh mì que ngon hay không phụ thuộc nhiều vào phần sốt nên công đoạn làm nước sốt được xem là khó nhất. Đôi khi cùng một công thức, cùng những nguyên liệu chuẩn bị với định lượng như nhau nhưng hương vị giữa mọi người không ai giống ai. Vì vậy, nếu bạn muốn được thử nhiều vị bánh mà không có thời gian tự làm có thể đến với tiệm bánh Nguyễn Sơn Bakery.
Những chiếc bánh mì que tại nhà Nguyễn Sơn được cho ra lò mỗi ngày với đa dạng các hương vị cho bạn lựa chọn làm bữa chính hay bữa phụ đều đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng như:
- Bánh mì que bò phô mai béo ngậy
- Bánh mì que gà kết hợp với phô mai tan chảy
- Bánh mì que vị truyền thống pate
- Bánh mì que nhân xá xíu
Qua bài viết trên đây, Nguyễn Sơn Bakery hy vọng các bạn đọc hiểu biết thêm về cách làm bánh mì que và thành công làm bánh mì que bằng lò nướng để cùng gia đình thưởng thức món ăn thơm ngon, bổ dưỡng này.